Lượt xem: 445

Lễ chào cờ đặc biệt giữa ngàn khơi Tổ quốc

Mỗi người đứng cách nhau 2 mét, xếp thành hàng ngang, miệng đeo khẩu trang, mắt rưng rưng nhìn lá Quốc kỳ. Tất cả đều xúc động khi ca từ của bài Quốc ca ngân nga giữa nắng gió Trường Sa: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước, súng ngoài xa chen khúc quân hành ca”.
    Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam

    Sáng 25-4-2020, quân và dân ở 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân đồng loạt trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm giải phóng quần đảo Trường Sa, cùng ôn lại công lao to lớn của bộ đội Hải quân Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc 45 năm trước.

Đội hình chào cờ trong lễ kỷ niệm 45 năm giải phóng Trường sa ở đảo Trường Sa lớn - Ảnh Đình Cường

    Tại đảo Trường Sa lớn, chủ tịch UBND huyện đảo - đồng chí Trịnh Xuân Huân đã chủ trì lễ mít tinh kỷ niệm. Cán bộ chiến sĩ và Nhân dân đảo này đứng thành hàng ngang trên sân băng, mỗi người cách nhau 2 mét, đeo khẩu trang theo quy định. Thay mặt quân dân huyện đảo, đồng chí Trịnh Xuân Huân ôn lai quá khứ hào hùng của bộ đội Hải quân, trong đó có công lao đặc biệt to lớn của cán bộ chiến sĩ của Đoàn đặc công nước 126 - những người được coi là “rái biển” thực hiện kế sách “đánh địch vượt cạn” của cố Thiếu tướng Mai Năng - người chỉ huy giải phóng đảo Song Tử Tây 45 năm trước. Diễn văn nhấn manh: “Hơn 200 chiến đấu viên tinh nhuệ của Đoàn đặc công nước 126 đã phối hợp cùng một bộ phận lực lượng đặc công Quân khu 5 chia thành các mũi tiến công, bất ngờ tập kích từng đảo. Các đảo thuộc quần đảo Trường Sa lần lượt được giải phóng và quân đội ta tiếp quản, đầu tiên là đảo Song Tử Tây vào rạng sáng 14-4, rồi đến đảo Sơn Ca ngày 25-4. Ngày 27-4, lực lượng của ta hoàn toàn làm chủ đảo Nam Yết; ngày 28-4, làm chủ đảo Sinh Tồn; ngày 29-4, giải phóng đảo Trường Sa - đảo xa nhất ở phía Nam của quần đảo. Cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong vòng nửa tháng với cố gắng lớn nhất, kết thúc nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Quân ủy Trung ương giao cho Quân chủng Hải quân, góp phần quan trọng vào đại thắng của dân tộc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.
Cũng tại thời điểm này, các đảo nổi đảo chìm khác cũng đồng loạt mít tinh kỷ niệm. Tại đảo Cô Lin, dưới lá Quốc kỳ kiêu hãnh tung bay trong nắng gió mặn mòi, những chiến sĩ đã hô vang mười lời thề danh dự của quân nhân. “Chúng tôi quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc. Một, hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Phấn đấu một nước Việt Nam hoà bình độc lập và xã hội chủ nghĩa,…”.

    Tại đảo Song Tử Tây, trong niềm vui mừng ngày dân tộc toàn thắng, cán bộ chiến sĩ ở đây còn có thêm niềm tự hào, kiêu hãnh khác, đó là niềm tự hào của đảo đầu tiên giải phóng Trường Sa. 

    Trung sĩ Trần Trung Kiên, phân đội 1 chia sẻ: “Ngoài niềm vui chung với tư cách là chiến sĩ Trường Sa hoà cùng chiến công của dân tộc, tôi còn có tự hào riêng. Chúng tôi là thế hệ trẻ kế tục lớp cha anh đi trước, mang trong tim dòng máu Trường Sa, chúng tôi nguyện một lòng tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Sẵn sàng hy sinh quên mình để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Xây dựng Trường Sa ngày càng mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”.

    Giây phút lịch sử qua ký ức người “hoài cổ”

    Để có Trường Sa bình yên, vững chắc như hôm nay, 45 năm trước, những người lính của Đoàn 126 đặc công Hải quân đã hải trình từ Đà Nẵng khẩn tốc ra đảo Song Tử Tây, thực hiện sứ mệnh cao cả giải phóng Trường Sa. 

    Tháng 10-2019, tôi có dịp gặp cựu binh Hải quân - cố Thiếu tướng Mai Năng. Thiếu tướng tên thật là Tạ Quang Thiều. Trong chiến dịch giải phóng Trường Sa, Thiếu tướng Mai Năng lúc đó đeo hàm Trung tá chỉ huy toàn biên đội “tàu há mồm”. 

Các đại biểu trên Lễ đài trong lễ kỷ niệm - Ảnh Đình Cường 

    Chia sẻ với chúng tôi, Thiếu tướng nói: “Quần đảo Trường Sa giải phóng nhanh lẹ nhờ chiến thuật đánh địch vượt cạn. Tôi chỉ huy trực tiếp lúc đó. Thắng lợi giải phóng đảo Song Tử Tây được coi là “chiến thắng đầu cầu” trong toàn bộ chiến dịch”.

    Trước yêu cầu của cách mạng, Trường Sa là địa danh nằm trong cục diện giải phóng đất nước thu giang sơn về một mối. Cùng với 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn Gia Định, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xác định “đồng thời giải phóng Trường Sa”. Quân ủy Trung ương giao cho Quân chủng Hải quân trinh sát, năm chắc tình hình và hành quân chiến đấu theo bức điện tuyệt mật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Khu ủy Khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân.

    Xác đinh Song Tử Tây là đảo giải phóng đầu tiên, đêm ngày 10-4-1975, từ bến cảng Sơn Trà,  Đà Nẵng, Đoàn tàu không số của Lữ đoàn 125 được ngụy trang thành “đoàn tàu đánh cá” gồm 3 chiếc 673, 674, 675 nhổ neo ra khơi trong bạt ngàn giông tố. Những con tàu đó mang theo 300 cán bộ chiến sĩ Đội 1, Đoàn 126 Đặc công Hải quân cùng các lực lượng Quân khu 5 và hàng chục tấn đạn dược thần tốc ra đảo. 

    Trước lúc lên đường, Phó Tư lệnh Hải quân Hoàng Hữu Thái giao nhiệm vụ cho biên đội tàu: “Trận này ta không thể đánh theo cách của đặc công nước, phải đánh trinh sát vũ trang, có chỗ phải dùng hỏa lực. Khi giải phóng rồi phải tổ chức lực lượng phòng thủ đảo ngay và tiếp tục giải phóng các điểm đảo khác”. Trung tá Mai Năng tính toán trong đầu: “Phải vận dụng chiến thuật đánh trên bộ kết hợp dưới biển mới có thể đánh thắng địch. Đây là trận đánh quan trọng đến sinh mệnh của Trường Sa”. “Nằm trên boong tàu tôi suy nghĩ. Lính đặc công nước lúc đó hầu hết là lính mới chưa một ngày trải qua chiến đấu. Phải làm thế nào để bớt đổ máu? Bao câu hỏi đặt ra trong đầu tôi. Cuối cùng tôi đã tìm ra giải pháp “đánh địch vượt cạn trên biển”. Đó là đánh theo kiểu đổ bộ đường sông nhưng địa hình là đảo. Đánh áp dụng chiến thuật tiến công, chốt chặn, ẩn nấp.

    Rạng sáng ngày 13-4-1975, biên đội tàu đã đến vùng biển Song Tử Tây. Trung tá Mai Năng mở tấm hải đồ Trường Sa, trỏ tay vào một điểm, dõng dạc: “Đây là đảo Song Tử Tây, chúng ta hiện đang ở tọa độ này. Tàu sẽ bí mật vào cách đảo 4 hải lý. Nếu điều kiện cho phép cứ vào sát nữa, vòng quanh đảo tìm vị trí đổ bộ”. 

Đảo Song Tử Tây nhìn từ biển - Ảnh Mai Thắng

    1 giờ sáng ngày 14-4-1975, biên đội tàu 673,674,675 đã bí mật tiếp cận đảo  Song Tử Tây cách 3 hải lý. Mệnh lệnh “thả xuồng” được truyền đi từ đài chỉ huy. Tàu 673 nhanh chóng quay mũi về hướng Bắc. Tàu 674, 675 ở phía Tây và phía Bắc đảo tiếp ứng cho quân đổ bộ, sẵn sàng đánh chặn tàu địch từ phía ngoài. Lợi dụng thủy triều xuống thấp, tàu 673 khẩn cấp cho các chiến sĩ bí mật tiếp cận đảo.  

    Đảo Song Tử Tây nửa đêm về sáng lặng lẽ hoang vu. Sau khi 38 cán bộ, chiến sĩ Phân đội 1 bí mật bò sát mép đảo vào vị trí chiến đấu, đội trưởng hạ lệnh “nổ súng” và ngay lập tức một loạt đạn DKZ bắn thẳng vào lô cốt của địch. Những tiếng hô “xung phong” vang dậy khắp đảo. Hỏa lực từ tàu 673 tới tấp nã vào các mục tiêu.

    Bị tấn công bất ngờ, địch chống trả quyết liệt, đại liên từ các lô cốt bắn ra như mưa. B40, B41 của các chiến sĩ đặc công tập trung bịt họng các lô cốt của địch và nhanh chóng đánh chiếm sở chỉ huy, làm chủ điện đài. Theo lời kể của Thiếu tướng Mai Năng: “Cuộc chiến đấu diễn ra rất oanh liệt. Các chiến sĩ trẻ rất dũng cảm, thương vong không đáng kể. Đây là chiến công đầu tiên, khẳng định sức mạnh và tinh thần chiến đấu làm chủ vùng biển của Hải quân Việt Nam. Thừa thắng, các chiến sĩ tiếp cận các vị trí thuận lợi, dồn địch vào cuối đường giao thông hào, những tiếng loa gọi hàng vang lên. Biết không thể cố thủ mãi trong hầm hào công sự, lính ngụy đã giương cờ trắng xin hàng. Phía đường hào cuối đảo, những khuôn mặt phờ phạc, ngơ ngác của kẻ thất trận, cầm cờ trắng, đưa tay lên đầu xin hàng vô điều kiện. Lá cờ của Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam được chiến sĩ Lê Xuân Phát kéo lên đỉnh cột cờ trước bia chủ quyền, tung bay trên đảo Song Tử Tây. Lúc đó là 5 giờ 15 phút ngày 14-4-1975”.

Mai Thắng



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 57
  • Hôm nay: 6029
  • Trong tuần: 76,736
  • Tất cả: 11,800,056